DN dệt may khốn khổ vì kiểm tra chuyên ngành
Các lô hàng may mặc đang gặp khó trong công tác kiểm tra chuyên ngành
Theo Hiệp hội, bằng việc khai báo hải quan qua mạng, thời gian thông quan hàng hóa đã được rút ngắn đáng kể, nhưng đối với những lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành thì vẫn chưa được cải thiện.
Quá… lê thê
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội cho thấy, hiện DN kinh doanh bông nhập khẩu phải mất ít nhất 10 ngày mới xong thủ tục kiểm dịch, hun trùng. Cụ thể, các DN kinh doanh bông phải gửi công văn lên Cục Bảo vệ thực vật để xin giấy phép kiểm dịch thực vật, tính từ khi gửi công văn đến khi có chứng nhận kiểm dịch là 7 ngày. Làm thủ tục xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu mất 2 ngày. Và 24 giờ sau khi nộp kiểm dịch, hàng mới được thông quan. Các DN nhập khẩu nguyên liệu (lông vũ, lông cáo, lông gấu) để làm hàng xuất khẩu còn mất thêm nhiều thời gian và chí phí hơn. Ngoài các thủ tục như khi nhâp khẩu bông, DN còn phải thêm một thủ tục là gửi mẫu lên Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để xác định chủng loại, tên gọi động vật, sau đó gửi kết quả tới cơ quan Hải quan. Riêng thủ tục này mất thêm từ 2-3 ngày và phí giám định 3 triệu mỗi lần. Tổng cộng, thời gian làm thủ tục mất khoảng 10-15 ngày.
Trong khi đó, đây là những nguyên liệu đã qua xử lý, đã có chứng nhận kiểm dịch động vật và C/O của phía nước xuất khẩu, cũng không thuộc danh mục chủng loại cấm trong CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Rõ ràng, thời gian như trên là quá dài, so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP: Năm 2015, thời gian làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa tối đa là 13 ngày, nhập khẩu 14 ngày; năm 2016, thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu dưới 10 ngày và nhập khẩu dưới 12 ngày. Bởi thời gian mục tiêu trong Nghị quyết của Chính phủ bao gồm cả thủ tục của hải quan và thủ tục quản lý chuyên ngành của các bộ khác nữa.
Trước tình hình nói trên, Hiệp hội Dệt may kiến nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành cần rút ngắn thời gian xác nhận, kiểm tra; còn Hải quan cần ra quyết định thông quan hàng hóa ngay khi nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành. Hơn nữa, cần có sự kết nối để Hải quan có thể lấy được kết quả kiểm tra chuyên ngành sớm nhất, không cần phải lấy bản gốc từ DN.
Đặc biệt, Hiệp hội đề nghị với những mặt hàng lông vũ, lông thú đã có đầy đủ kiểm dịch và C/O từ phía khách hàng, có tên khoa học không thuộc danh mục CITES thì nên bỏ thủ tục kiểm dịch, hun trùng và giám định sinh thái.
Tốn giấy tờ
Trong ngành dệt may, hiện DN đang “kêu” nhiều nhất về 2 thủ tục, đó là thủ tục kiểm dịch, hun trùng với nguyên liệu dệt may và thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt với sản phẩm dệt may NK.
Một vấn đề khác được Hiệp hội tiếp tục phản ánh là thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt với các sản phẩm dệt may. Được quy định tại Thông tư 32 năm 2009 của Bộ Công Thương, đây là thủ tục đã được các DN dệt may “kêu” nhiều tại nhiều diễn đàn khác nhau. Theo các DN, đây là loại thủ tục quản lý chuyên ngành yêu cầu số lượng giấy tờ nhiều nhất với 10 loại, trong đó có 7 loại bắt buộc phải có. “Hầu hết DN rất vất vả và mất thời gian, công sức để hoàn thành đầy đủ chứng từ”, công văn của Hiệp hội Dệt may, do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Đặng Phương Dung ký, phản ánh. Cụ thể, với các lô hàng nguyên liệu để tiêu thụ, kinh doanh trong nước, bên cạnh chi phí phát sinh từ 3-5 triệu đồng mỗi lô, thời gian từ khi gửi mẫu nguyên liệu đi kiểm tra, lấy kết quả giám định, thông quan khoảng 15 ngày.
Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan đã cho phép tạm thông quan, mang hàng về Cty trong lúc chờ kết quả giám định. Tuy nhiên, theo Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính, các lô hàng này lại không được thông quan khi có giấy chứng nhận. Còn với lô hàng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, ngay cả khi lô hàng nghiệp được hệ thống hải quan phân “luồng xanh”, nhưng vì thực hiện kiểm soát nên 100% hồ sơ nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu trở thành “luồng vàng” (kiểm tra hồ sơ). Hiệp hội Dệt may kiến nghị các sản phẩm từ khu vực có tiêu chuẩn cao hơn, hoặc sản phẩm đã cơ chứng nhận từ các tổ chức có uy tín thì được miễn trừ kiểm tra chuyên ngành.
Hiệp hội cho rằng nếu không có biện pháp quản lý hữu hiệu khi hàng hóa tham gia lưu thông trong nước, thì nên bỏ quy định này. Bởi không có bất kỳ bằng chứng nào bảo đảm rằng tất cả các lô hàng đều đã được kiểm tra, đạt yêu cầu của kiểm tra chuyên ngành.
Lan Nhi: DĐDN