Phát huy dân chủ, chăm lo quyền lợi.

Cuối năm 2015, Công ty Cổ phần X20 được Hiệp hội Thương mại nước ngoài (FTA) khảo sát, chấm điểm, công nhận đạt tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (BSCI) và chấp hành nghiêm Bộ quy tắc ứng xử theo BSCI. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị nhằm bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người lao động và môi trường, đáp ứng các tiêu chí của thế giới. Công ty đã thực hiện tốt các chuyên đề: Quyền công đoàn bình đẳng, lương công bằng, giờ làm việc hợp lý; bảo đảm an toàn lao động, sức khỏe công nhân, không sử dụng lao động trẻ em, hành vi kinh doanh đạo đức, công đoàn chăm lo quyền lợi, bảo vệ người lao động… Theo Thượng tá QNCN Hà Chí Khoa, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Cổ phần X20, để đạt tiêu chuẩn BSCI, thời gian qua, CĐCS công ty đã để lại dấu ấn ở tất cả các khâu, các bước của quá trình quản lý, sản xuất, kinh doanh. Công đoàn đã đề nghị và cùng người sử dụng lao động xác định, thực hiện tốt mục tiêu “Bảo đảm đủ việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, thực hiện tốt các chính sách xã hội cho người lao động”.

 

 Đoàn viên công đoàn Viện Nghiên cứu ứng dụng Quân nhu (Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) nghiên cứu thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bộ đội. Ảnh: HẰNG THU
 

Từ thực tế ở Công ty Cổ phần X20, Đại tá Nguyễn Viết Tuấn, Trưởng ban Công đoàn, Cục Chính trị, TCHC, cho biết: “Các tổ chức công đoàn (TCCĐ) trong tổng cục luôn chủ động phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân, viên chức (CNVC), lao động quốc phòng (LĐQP); bàn bạc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp, đơn vị vững mạnh; triển khai, giải quyết hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người lao động”. Hằng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Cục Chính trị, TCHC và Ban Công đoàn Cục Chính trị, CĐCS các doanh nghiệp, đơn vị trong tổng cục tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị cán bộ, CNVC, LĐQP, qua đó để đánh giá kết quả và bàn phương hướng thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Người sử dụng lao động và ban chấp hành CĐCS cùng ký thỏa ước lao động tập thể, thống nhất về việc làm và bảo đảm việc làm, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng; định mức lao động; an toàn, vệ sinh lao động; quy chế về lao động, chính sách phúc lợi; bảo hiểm và các chế độ khác.

CĐCS của các doanh nghiệp, đơn vị trong tổng cục thực hiện nghiêm việc giám sát chế độ tiền lương, giám sát thực hiện thỏa ước lao động; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNVC, LĐQP, kiến nghị, đề xuất đến người sử dụng lao động đối thoại trực tiếp với người lao động, qua đó giải quyết thấu đáo những vấn đề CNVC, LĐQP chưa rõ, còn thắc mắc, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động. Các TCCĐ còn tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch năm; thực hiện công tác tài chính, đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, chế độ tiền lương, tiền thưởng, xét nâng lương, nâng bậc thợ, thi hành xử lý kỷ luật… góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng đơn vị vững mạnh.

Lao động sáng tạo, năng suất cao

Tìm hiểu ở CĐCS các doanh nghiệp, đơn vị thuộc TCHC, như: Tổng công ty 28, Công ty Cổ phần 22, Công ty Cổ phần X20, Bệnh viện Quân y 87, Trường Trung cấp nghề số 13…, chúng tôi thấy cán bộ, CNVC, LĐQP có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đạt kết quả tốt, giá trị làm lợi cao. Điển hình, CĐCS Công ty Cổ phần X20 từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 70 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu là sáng kiến “Nghiên cứu chế tạo xe cuốn dây hơi” của đồng chí Trần Văn Điệp, Tổ phó Tổ công đoàn Phòng kỹ thuật, Xí nghiệp May đo Quân đội. Xe cuốn dây hơi do anh chế tạo cơ động linh hoạt, vận hành tốt, giúp các phân xưởng trong xí nghiệp vệ sinh máy móc trang bị thuận lợi, dễ dàng, nâng cao độ bền của thiết bị. Còn sáng kiến “Đệm chân máy vắt ly tâm” của đồng chí Trần Thanh Phong, đoàn viên công đoàn tại Phân xưởng Nhuộm, Xí nghiệp Dệt kim tạo cho máy vắt êm khi hoạt động, an toàn cho người vận hành thiết bị, tăng năng suất lao động 30%.

Theo Đại tá Nguyễn Viết Tuấn, từ năm 2010 đến nay, CĐCS của các doanh nghiệp, đơn vị đều vượt chỉ tiêu đăng ký, thực hiện sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao năng suất lao động từ 20-100%. Đó là một nội dung cụ thể của Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của các TCCĐ trong TCHC. Căn cứ đặc điểm tình hình nhiệm vụ chính trị của từng doanh nghiệp, đơn vị, các TCCĐ xác định và điều chỉnh nội dung thi đua phù hợp, trong đó tập trung nâng cao tay nghề bậc thợ; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm chủ công nghệ, máy móc, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Các TCCĐ trong tổng cục gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Từ năm 2010 đến nay, các TCCĐ của TCHC đã có hàng vạn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng đạt hiệu quả cao, làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị tổng cộng hơn 100 tỷ đồng; hơn 1.000 đoàn viên công đoàn được công nhận thợ giỏi cấp cơ sở, cấp tổng cục và cấp Bộ Quốc phòng; nhiều cán bộ, CNVC, LĐQP được nhận lương thưởng tháng thứ 13, tháng thứ 14.

Nhờ phát huy tốt dân chủ, đề cao trách nhiệm của người lao động và tổ chức tốt hoạt động thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các TCCĐ của TCHC đã có nhiều đóng góp xây dựng doanh nghiệp, đơn vị vững mạnh, hằng năm có 100% CĐCS đạt tiêu chuẩn vững mạnh và vững mạnh xuất sắc; từ năm 2011 đến nay có hơn 50 lượt CĐCS được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Chính trị, TCHC tặng cờ thi đua, bằng khen.

 Theo: QUANG THẮNG ( Báo QĐND)